Ngập mặn ở ĐBSCL: Bộ Nông nghiệp hành động nóng
Ngập mặn ở ĐBSCL: Bộ Nông nghiệp hành động nóng
- Hạn, mặn đặc biệt gần 100 năm nay tại ĐBSCL, an ninh lương thực bị đe dọa, hậu quả trực tiếp từ thủy điện kỷ lục trên sông Mê Kông.
Tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng tình hình năm nay là năm đặc biệt và ông cho biết với những gì ông được báo cáo là đặc biệt trong gần 100 năm.
Theo đó, mặn xâm nhập sớm hơn, xảy ra từ tháng 12/2015, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho một số địa phương cho dù đã có những biện pháp ứng phó.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT mùa khô năm 2015-2016, Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ đã xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu từ 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khảo sát thực tế lúa bị nhiễm mặn tại Kiên Giang. Ảnh: Tuổi trẻ |
Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu đã bị nước mặn tấn công. Còn Hậu Giang hơn 40 ha lúa bị thiệt hại nặng. Theo Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn thì hiện tại các sông lớn đã bị mặn xâm nhập sâu từ 3 đến 4km. Hiện tỉnh này có đến 34.000ha lúa bị thiệt hại và chưa dừng lại, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Cà Mau diện tích lúa bị thiệt hại trên 18.000ha, chiếm 56% diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm.
Một thực tế đang xảy ra với ĐBSCL, đất nông nghiệp bị khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, người dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Ông Phát đặc biệt lưu ý điều quan trọng hơn là tình hình sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa đến sản xuất và đời sống của người dân hầu hết các địa phương ĐBSCL.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, cần ứng phó khẩn cấp để bảo vệ diện tích lúa đông xuân đang ở trên đồng. Ngoài ra, các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng cho vụ hè thu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, nguyên nhân của tình huống thiên tai trên có lí do sâu xa, có lí do tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mê Kông, đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy. Đồng thời sự thay đổi đó tác động nghiêm trọng hơn trong bối cảnh một El-nino xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử.
"Tôi đề nghị Bộ Tài chính cho địa phương tạm ứng ngân sách để làm ngay các việc như đắp đập, xây cống, nạo vét kênh mương... Nếu cân nhắc quá thì khi tiền về đến nơi thiên tai đã càn quét hết”- Bộ trưởng Phát nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tình hình mực nước thấp dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL 2015-2016 là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT có văn bản trình gấp kinh phí chống hạn mặn ngay sau hội nghị này. Các Tỉnh ủy đều có chỉ thị hoặc nghị quyết chỉ đạo vấn đề này đến các chi bộ và nhân dân; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung bắt tay vào các công việc cụ thể để ngăn mặn…
Vấn đề nhiễm mặn, hạn tại ĐBSCL thậm chí gây nguy cơ mất an ninh lương thực vốn đã được dự đoán trước khi các đập thủy điện trên sông Mê Kông ở Trung Quốc và Lào được xây dựng ở mức độ dày đặc, làm chặn đường dòng chảy và cạn kiệt nguồn nước đổ ra cửa biển, trong bối cảnh mực nước biển tăng khoảng 5mm/năm.
Tại Trung Quốc, 6 đập thủy điện đã được xây dựng ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Còn tại Lào và Campuchia, con số này là 11, trong đó có nhiều đập được xây dựng với sự hỗ trợ, đầu tư của Trung Quốc.
Đập thủy điện dày đặc trên sông Mê Kông. Ảnh đồ họa: The Economist |
Các quốc gia trong Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã lên án mạnh mẽ việc Lào xây dựng đập thủy điện khổng lồ Don Sahong và Xayaburi tại khu vực biên giới với Thái Lan và Campuchia, gây hậu quả nặng nề cho nông dân ở khu vực các nước này. Dự tính của Lào khi xây dựng nhiều đập thủy điện nhằm biến quốc gia này thành "bình ắc-quy của Đông Nam Á" và bán điện cho Thái Lan.
Việc phát triển thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang được tập trung phát triển, song những con đập thủy điện này khi hoàn thành cũng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Trái lại, chúng còn có thể mang lại nhiều hiệu ứng phụ là đe dọa nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, khiến hàng triệu người có thể sẽ mất kế sinh nhai và buộc phải di dời đi nơi khác. Trung Quốc và Lào có thể sẽ hưởng lợi từ những con đập, còn hầu hết hậu quả sẽ dành cho những nước như Việt Nam và Campuchia. ( ST )